An toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu trong đời sống xã hội, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người và tài sản. Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về công tác PCCC, ngày 10/05/2024, Chính phủ đã ban hành NĐ 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về PCCC. Nghị định mới này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/05/2024, mang đến nhiều thay đổi và bổ sung quan trọng so với quy định trước đây, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCCC trong các dự án, công trình. Dưới đây sẽ là những nét mới trong quy định thiết kế PCCC NĐ 50/2024/NĐ-CP mà PCCC Kim Long tổng hợp và chia sẻ. Giúp các tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn về yêu cầu PCCC trong thiết kế xây dựng.
1. Sửa đổi đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC
Sửa đổi khoản 3 Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau:
– Dự án, công trình quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP khi xây dựng mới hoặc khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng dẫn đến một trong các trường hợp sau:
+ Làm tăng quy mô về số tầng hoặc diện tích khoang cháy;
+ Thay đổi chủng loại, vị trí thang bộ thoát nạn;
+ Giảm số lượng lối thoát nạn của tầng, khoang cháy, công trình;
+ Lắp mới hoặc thay thế hệ thống báo cháy;
+ Lắp mới hoặc thay thế hệ thống chữa cháy;
+ Thay đổi công năng làm nâng cao các yêu cầu an toàn cháy đối với tầng nhà, khoang cháy và công trình;
– Phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC quy định tại mục 19 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP khi chế tạo mới hoặc hoán cải ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn PCCC quy định tại điểm c khoản 5 Điều 13.
2. Bỏ, giảm đối tượng thẩm duyệt thiết kế PCCC
+ Bỏ cách xác định đối tượng thẩm duyệt theo tổng khối tích (chỉ áp dụng tổng khối tích đối với công trình công nghiệp)
+ Cửa hàng, hệ thống cấp khí đốt trung tâm, hạ tầng kỹ thuật của khu du lịch, đào tạo, thể thao…
+ Nâng quy mô khối tích thuộc diện thẩm duyệt của một số công trình công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy nổ A, B từ 1.500 m3 => 5000 m3, hạng C từ 5000 m3 => 10.000 m3, hạng D, E từ 5000 m3=>15.000 m3…
3. Bãi bỏ thủ tục
– Góp ý đồ án quy hoạch xây dựng
– Chấp thuận địa điểm xây dựng công trình
– Góp ý về PCCC hồ sơ thiết kế cơ sở
4. Bỏ thành phần hồ sơ thẩm duyệt PCCC
Bỏ các thành phần hồ sơ thẩm duyệt PCCC sau:
– Nội dung ủy quyền nộp hồ sơ của chủ đầu tư (do thực hiện nộp trên Cổng dịch vụ công)
– Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC của tư vấn thiết kế (cơ quan công an tự khai thác)
– Bản sao bản vẽ thẩm duyệt (đối với thiết kế cải tạo) do cơ quan công an tự khai thác
– Văn bản góp ý về PCCC đối với thiết kế cơ sở
– Văn bản thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Theo đó, hồ sơ đề nghị thẩm duyệt PCCC theo Nghị định 50/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bao gồm:
Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình xây dựng mới:
– Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (Mẫu số PC06)
– Văn bản về chủ trương đầu tư xây dựng công trình theo quy định pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc văn bản chứng minh quyền sử dụng đất đối với dự án, công trình.
– Dự toán xây dựng công trình
– Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Điều 11 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Đối với thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công dự án, công trình cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng hoặc thiết kế điều chỉnh:
– Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về PCCC của chủ đầu tư (Mẫu số PC06)
– Dự toán xây dựng công trình đối với phần cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng.
– Hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy.
Đối với thiết kế kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy:
– Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư, chủ phương tiện (Mẫu số PC06).
– Dự toán tổng mức đầu tư phương tiện
– Hồ sơ thiết kế kỹ thuật thể hiện những nội dung yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy.
5. Bỏ thành phần nộp hồ sơ nghiệm thu PCCC
Bỏ các thành phần hồ sơ nghiệm thu PCCC sau:
– Nội dung ủy quyền, giấy giới thiệu nộp hồ sơ của chủ đầu tư (do thực hiện nộp trên Cổng dịch vụ công)
– Bản sao bản vẽ thẩm duyệt (do cơ quan công an tự khai thác)
– Giấy chứng nhận kiểm định (do cơ quan công an tự khai thác)
– Bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC của đơn vị thi công, giám sát (do cơ quan công an tự khai thác)
Theo đó, Hồ sơ nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy bao gồm:
– Bản sao Giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy kèm theo hồ sơ đã được đóng dấu thẩm duyệt của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy;
– Các biên bản thử nghiệm, nghiệm thu từng phần và nghiệm thu tổng thể hệ thống phòng cháy và chữa cháy;
– Các bản vẽ hoàn công hệ thống phòng cháy và chữa cháy và các hạng mục liên quan đến phòng cháy và chữa cháy phù hợp với hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt;
– Tài liệu, quy trình hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống phòng cháy và chữa cháy và các hệ thống liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của công trình, phương tiện giao thông cơ giới;
– Văn bản nghiệm thu hoàn thành các hạng mục, hệ thống liên quan đến phòng cháy và chữa cháy;
6. Thay đổi thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy
Phụ lục Va (do C07 thẩm duyệt)
Nghị định số 50/2024/NĐ-CP quy định Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình quy định tại Phụ lục Va ban hành kèm theo Nghị định số 50/2024/NĐ-CP.
Phụ lục Vb (do PC07 Công an địa phương thẩm duyệt)
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới quy định tại Phụ lục Vb ban hành kèm theo Nghị định số 50/2024/NĐ-CP trên địa bàn quản lý và những trường hợp do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền.
7. Quy định chuyển tiếp (Điều 6 Nghị định 50/2024)
Đối với dự án thuộc Phụ lục V Nghị định số 136/2020/NĐ-CP đã được góp ý về PCCC đối với hồ sơ thiết kế cơ sở hoặc cấp GCN thẩm duyệt thiết kế về PCCC nhưng không thuộc đối tượng quy định tại Phụ lục V Nghị định 50/2024 này thì chủ đầu tư thi công tự tổ chức nghiệm thu về PCCC, chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn PCCC đối với công trình;
Dự án, công trình đã được góp ý về phòng cháy và chữa cháy đối với hồ sơ thiết kế cơ sở, chưa được cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy thì thực hiện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy tại cơ quan có thẩm quyền quy định tại điểm e khoản 5 Điều 1 Nghị định 50/2024/NĐ-CP;
Cơ quan có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy cho công trình, phương tiện giao thông cơ giới tiếp tục thực hiện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy cho các công trình, phương tiện giao thông cơ giới đó.
Công ty CP PCCC Kim Long
Văn Phòng Đại Diện : 35 đường D6 – KDC Phúc Đạt, phường Phú Lợi, Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Trụ sở: 23 Lê Thị Trung, Phú Lợi, Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Hotline: 0906.266.379
Email: pccckimlongviet@gmail.com